• Biện pháp phòng bệnh

Cách phòng, trị bệnh ký sinh trùng do rận cá chủ yếu là định kỳ tắm cá bằng nước ngọt trong thời gian 15 – 20 phút, kết hợp vệ sinh thay lưới lồng hoặc vệ sinh bể. Trong trường hợp cá bị ký sinh trùng cảm nhiễm cao, cần phải tắm cá bằng formol 100-150ppm hoặc Ôxy già 200-250ppm. Mặt khác, tăng khả năng đề kháng với bệnh tật cho cá bố mẹ thông qua cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng là giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Có một số loại hóa chất dùng có hiệu quả trong thực tiễn như: dùng Formol để tắm cho cá với nồng độ 100-200 ppm trong 30-60 phút. Dùng nước oxy già (H2O2)tắm cho cá với nồng độ 150ppm trong 30 phút (500ml H2O2 ở nồng độ 30%  trong 1m3 nước); Hoặc tắm trong nước ngọt 5 phút, lặp lại hai lần trong một tuần.

  •  Bệnh do nhễm vi khuẩn Vibrio ở cá dìa giống và cá dìa bố mẹ:

Trong quá trình ương, vào thời điểm chất lượng nước kém nên bệnh bùng phát làm cá chết hàng loạt, kết quả kiểm tra cho thấy cá bị nhiễm vi khuẩn Vibrio sp, các giải pháp như: giảm mật độ ương, thay 100% nước, tắm nước ngọt, hoặc một trong số các loại thuốc kháng sinh như Natalic Acid nồng độ 200 ppm; oxytetraciline nồng độ 250 ppm; Kanamycine 200ppm trong 15-20 phút.

  •  Tác nhân gây bệnh

Vi khuẩnVibrio thuộc họ Vibrionaceae, có một số đặc điểm như có dạng hình que hay hình dấu phẩy, kích thước tế bào 0,3-0,5 x 1,4-2,6 mm.  Vibrio không hình thành bào tử và có khả năng chuyển động nhờ một tiên mao, là các vi khuẩn  bắt màu gram (-), đa phần có phản ứng Oxydase (+), có khả năng oxy hoá và lên men trong môi trường O/F Glucose, không có khả năng sinh H2S và mẫn cảm với Vibriostat (0/129).  Vibrio phân bố trong môi trường nước mặn, thích hợp ở 20 – 40%o. Môi trường Thiosulphate citrate bile salt agar (TCBS) là môi trường chọn lọc của Vibrio spp. Dựa vào màu sắc khuẩn lạc trên môi trường chọn lọc này, Vibrio spp được chia thành 2 nhóm: Nhóm có khả năng lên men đường Sucrose và có khuẩn lạc màu vàng; Nhóm không có khả năng lên men đường sucrosse và có khuẩn lạc màu xanh lá cây trên môi trường TCBS. Gây bệnh trên cá gặp một số loài như sau: Vibrio parahaemolyticus, V. vulnificus, V. alginolyticus, V. anguilarum, V. damsel…

 Dấu hiệu chính của bệnh:

Cá bị đổi màu đen sạm, trên bề mặt cá dìa giống hoặc cá dìa bố mẹ xuất hiện các đốm đỏ nhỏ, nhất là các góc vây, miệng và thân, tại đó vẩy cá bị tróc và rụng đi, sau một thời gian tạo nên các vết loét nhỏ. Vây cá có thể bị mòn cụt và xơ xác. Giải phẫu bên trong cho thấy hiện tượng xuất huyết nội tạng, và xuất huyết trong cơ của cá. Cá bị bệnh có thể gây chết hàng loạt khi bị cấp tính, gây chết rải rác khi ở các thể thứ cấp tính. Bệnh này có thể xảy ra trên cá dìa ở giai đọan ấu trùng và ở đàn bố mẹ. Vibrio là vi khuẩn đặc trưng cho vùng nước biển ấm, phát triển mạnh ở nhiệt độ 25-300C.

Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, vi khuẩn Vibrio tồn tại rất phổ biến  ở nước biển ven bờ, mật độ Vibrio trong nưóc biển ven bờ có thể tăng lên nhiều lần vào các ngày biến động do bão, gió mùa hay áp thấp nhiệt đới (Đỗ Thị Hòa, 1997).

 

Hình 3.16: Cá dìa bệnh chết do nhiễm Vibrio sp

  • Biện pháp chẩn đoán bệnh

Có thể chẩn đoán bệnh Vibriosis dựa vào những dấu hiệu bệnh lí đã mô tả ở phần 2.8.2.2, ngoài ra cũng có thể áp dung phương pháp chẩn đoán nhanh để kiểm tra các mẫu ép tươi ấu trùng hay gan tụy, máu của cá để phát hiện sự chiếm chỗ của vi khuẩn trong tổ chức mô của các nội quan. Vi khuẩn Vibrio có thể phân lập bằng phương pháp vi sinh vật học trên môi trường nuôi cấy chọn lọc TCBS, trên môi trường này, vi khuẩn vibrio phát triển rất nhanh, sau 15-18 h, ở nhiệt độ 30-350C, các khuẩn lạc của Vibrio đã lớn và phân biệt rõ ràng trên môi trường nuôi cấy. Ngoài ra có thể áp dụng một số phương pháp hiện đại khác như kỹ thuật PCR, kính hiển vi điện tử (TEM)

  •  Phương pháp phòng trị bệnh

Công tác phòng phòng bệnh cần được chú ý: sát trùng bể và dụng cụ trước đợt sản xuất. Nguồn nước phải được xử lý trước khi sử dụng ương nuôi. Trong quá trình ương cần siphon đáy để loại bỏ các chất hữu cơ lắng đáy trong bể. Có thể làm tăng hệ miễn dịch tự nhiên của cá bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung một số vitamin như C, A, E.

Phương pháp trị bệnh: Khi bệnh Vibrio đã xuất hiện, có thể dùng kháng sinh để trị bệnh. Tuy vậy cần dung thuốc theo 2 hướng : Diệt vi khuẩn cảm nhiễm bên trong cơ thể bằng cách trộn kháng sinh vào thức ăn như một số kháng sinh thuộc nhóm Sulpamid: sulfamethoxine, Bactrim, cotrim: 15 – 20g/ kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày; Oxonilic Acid 25%: 2 –5g / kg thức ăn, cho ăn trong 5 – 7ngày. Ngoài ra cần giảm mật độ vi khuẩn trong nước và cải thiện điều kiện môi trường bằng một số biện pháp kĩ thuật: Siphon đáy, thay nước.