I. GIỚI THIỆU GIỐNG CÁ CHIM VÂY VÀNG (CÁ CHIM VÂY NGẮN)
Cá Chim biển vây vàng (Trachinotus blochii Lacepède 1801) là loại cá có giá trị kinh tế cao, được nuôi ở Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia … Đây là loài cá được nhiều người ưa thích, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, tốc độ sinh trưởng nhanh, thích hợp cho nuôi lồng bè trên biển và nuôi trong các ao đầm nước mặn lợ.
Loài cá này mới được đưa vào Việt Nam từ năm 2006, và được Trường Cao Đẳng Thủy sản, Từ Sơn, Đình Bảng – Bắc Ninh thử nghiệm nuôi thương phẩm trong ao tại Trại thực nghiệm Yên Hưng, Quảng Ninh vào năm 2008. Sau 12 tháng nuôi cá đạt 621,23g (ở mật độ 1,5 con/m2) và 593,37g (ở mật độ 2,5 con/m2).
Trong vài năm gần đây, loài cá này đã được Công ty Marine Farm nuôi bằng lồng biển tại Vịnh Vân Phong, Vạn Ninh – Khánh Hòa, cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp được nhập từ Canada. Một vài hộ ngư dân ở Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang, Đầm Thủy Triều – Khánh Hòa, cũng bắt đầu nuôi loài cá này, người ta thả cá chim vây vàng ghép vào lồng nuôi tôm hùm, cho cá ăn bằng thức ăn cá tạp, ngư dân chưa biết và chưa quen dùng thức ăn công nghiệp để nuôi cá biển nói chung và cá chim vây vàng nói riêng.
II. KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRONG LỒNG BIỂN
2.1 Lồng nuôi cá
Lồng nuôi cá là dạng lồng nổi. Khung bè là các thanh gỗ có kích thước 5×10 cm và 6×12 cm, mỗi thanh dài 5 m, giữa các thanh được cố định bằng bulon – 14 mm, khung gỗ của lồng trở thành chỗ đi lại và làm việc, cho cá ăn và theo dõi cá. Hệ thống phao là các phuy nhựa có thể tích 200 lít được buộc chặt với khung bè bằng dây cước lớn, nâng toàn bộ hệ thống lồng bè. Bè được cố định bằng hệ thống dây neo.
Lồng nuôi cá có kích thước 4 x 4 x 4m (phần ngập nước là 3,5m), lưới lồng có kích thước mắc lưới 2a = 4cm, lưới màu đen. Miệng lưới lồng được cố định trong khung gỗ bằng dây cước. Đáy lưới lồng được cố định bởi 4 khối bê tông đặt ở 4 gốc đáy. Các khối bê tông được buộc vào dây nylon và thả từ trên xuống sát đáy lưới để cố định lồng có dạng hình khối. Các khối bê tông nặng 10kg. Lồng cá được che nắng bằng lưới đen (lưới che cây hoa phong lan). Độ sâu của nước từ lồng nuôi đến đáy biển khoảng 10 – 20m. Chất đáy nơi đạt lồng nuôi cá là đáy cát hoặc cát bùn.
2.2 Cá giống và thả giống
Cá cỡ 2,5 – 4 cm được đưa ra lồng biển để ương đến cỡ cá giống 40 – 50g (L = 12 – 13cm). Thời gian ương khoảng 50 – 60 ngày.
Cỡ cá 4 – 5cm, ương với mật độ cá 100 – 200 con/m3. Cá được ương trong lồng 2 x 2 x 2m, mắt lưới 1cm. Khi cá lớn san thưa mật độ dần, cá được ương trong lồng 3 x 3 x 2m, mắt lưới 2cm. Khi cá đạt cỡ 12 – 13cm (40 – 50g) mật độ còn 20 con/m3 .
Cá nuôi thương phẩm, ban đầu thả mật độ 20 con/m3, sau 2 tháng san thưa mật độ còn 10 con/m3, sau 4 tháng nuôi mật độ còn 5 con/m3.
Cá thả nuôi được tuyển lựa đồng đều về kích thước, màu sắc tự nhiên, bơi lội nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không bị dị hình. Cá được thả nuôi vào buổi sáng.
2.3 Thức ăn và cách cho ăn
Thức ăn cho cá chim ăn là thức ăn công nghiệp dạng viên. (bảng 1)
Khi cho cá ăn, tạo tiếng động nhẹ để cá tập trung đến địa điểm cho ăn (tập cá có phản xạ có điều kiện), rải thức ăn từng đợt để cá ăn hết thức ăn rồi mới rải tiếp. Tỉ lệ thức ăn cho cá ăn hằng ngày theo bảng 2. Lúc cá còn nhỏ cho cá ăn ngày 3 lần/ngày vào lúc 6 giờ, 11 giờ và 15 giờ, cá lớn cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 9 giờ và 15 giờ.
Bảng 1: Thành phần dinh dưỡng của thức ăn tổng hợp dùng để nuôi cá chim
Mã số thức ăn | P101 | P102 | P103 | P104 | P105 | P106 | P107 |
Độ ẩm tối đa (%) | 11 | 11 | 11 | 11 | 11 | 11 | 11 |
Protein thô tối thiểu (%) | 46 | 46 | 46 | 46 | 44 | 44 | 44 |
Béo thô tối thiễu (%) | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
Tro tối đa (%) | 15 | 15 | 15 | 15 | 15 | 15 | 15 |
Xơ thô tối đa (%) | 3 | 3 | 3 | 3 | 3 | 3 | 3 |
Bao gói (kg) | 25 | 25 | 25 | 25 | 25 | 25 | 25 |
Bảng 2: Hướng dẫn sử dụng thức ăn cho nuôi cá chim.
Mã số thức ăn | P101 | P102 | P103 | P104 | P105 | P106 | P107 |
Kích cỡ thức ăn (mm) | 1.5-1.7 x L1.5 | 2.0-2.2 x L2.0 | 3.0-3.5 x L2.5 | 4.3-4.7 x L3.0 | 5.0-5.5 x L3.3 | 6.3-6.7 x L3.5 | 8.3-8.7 x L5.0 |
Khối lượng cơ thể cá (g) | 3-20 | 20-50 | 50-80 | 80-150 | 150-300 | 300-400 | 400-800 |
Tỉ lệ cho ăn (%) theo khối lượng cá | 7-8 | 7-8 | 5-6 | 5-6 | 5-6 | 3-4 | 3-4 |
Số lần cho ăn/ngày | 3-4 | 3-4 | 1-2 | 1-2 | 1-2 | 1-2 | 1-2 |
2.4 Vệ sinh lồng nuôi
Hàng ngày, quan sát lồng nuôi cá để phát hiện hư hỏng và kịp thời khắc phục, loại bỏ rác thải trôi dạt vào lồng nuôi, quan sát tình trạng sức khỏe của cá để kịp thời xử lí khi có dấu hiệu bất thường, vớt cá chết và cá yếu bơi lờ đờ ra khỏi lồng nuôi để tránh lây lan mầm bệnh.
Định kỳ 30 – 60 ngày thay lưới lồng một lần để vệ sinh, loại bỏ sinh vật bám và các tác nhân gây bệnh cho cá bằng cách xịt rửa lưới bằng máy bơm cao áp hoặc phơi lưới lồng. Lưới được vệ sinh và phơi nắng nhằm tiêu diệt tác nhân gây bệnh để chuẩn bị cho lần thay lưới kế tiếp. Khi vệ sinh lưới lồng nếu phát hiện lưới rách, hư hỏng thì kịp thời sửa chữa.
2.5 Kiểm tra sinh trưởng cá
Định kì 30 hoặc 60 ngày, kiểm tra sinh trưởng cá, mỗi lần kiểm tra 20 – 30 cá thể. Khối lượng cá được cân bằng cân đồng hồ xách tay. Cân toàn bộ số cá bắt được, sau đó đếm toàn bộ số cá rồi lấy giá trị khối lượng trung bình. Từ đó, điều chỉnh liều lượng thức ăn cho hợp lý.
Kết quả nghiên cứu năm 2010 – 2011, cho thấy rằng:
Đợt 1: cá chim vây vàng được thả nuôi ban đầu có chiều dài (L) là 15,3cm, khối lượng (W) là 70,5g. Sau 155 ngày nuôi, cho cá ăn thức ăn tổng hợp, đạt chiều dài 34,2cm và khối lượng là 716,7g; cá cho ăn cá tạp đạt L = 29,1cm và W = 389,1g.
Đợt 2: cá thả nuôi ban đầu có chiều dài L=12,9cm, khối lượng là 45,0g. Sau 122 ngày nuôi, cho cá ăn thức ăn tổng hợp đạt chiều dài 28,4cm và khối lượng 441,8g; cho cá ăn cá tạp đạt L = 25,6cm và W = 281,4g.
Tỉ lệ sống từ 50 – 90%, tùy thuộc vào chất lượng nước và mầm bệnh nơi nuôi cá.
Hệ số tiêu tốn thức ăn khoảng 1,8 – 3, tùy thuộc vào chất lượng thức ăn và quản lý thức ăn trong quá trình nuôi.
2.6 Các yếu tố môi trường nước
Các yếu môi trường nước thích hợp cho cá sinh trưởng và phát triển là nhiệt độ 27 – 30 oC, pH: 7,5 – 8,5, độ mặn: 25 – 32ppt, Oxy hòa tan trên 4ppm.
2.7 Thời gian nuôi
Cá nuôi được 8 – 10 tháng, đạt cỡ 0,7 – 1kg/con.
2.8 Giá thành sản phẩm (số liệu năm 2010 – 2011, nuôi thí nghiệm)
Chỉ tiêu | Thức ăn cá mú | Thức ăn cá tạp | ||
(đồng) | (%) | (đồng) | (%) | |
Cá giống | 10.000.000 | 28.09 | 10.000.000 | 27.87 |
Thức ăn | 16.898.560 | 47.47 | 17.175.702 | 47.88 |
Khấu hao lồng nuôi | 1.500.000 | 4.21 | 1.500.000 | 4.18 |
Nhân công | 6.000.000 | 16.85 | 6.000.000 | 16.72 |
Chi khác | 1.200.000 | 3.37 | 1.200.000 | 3.34 |
Tổng chi phí | 35.598.560 | 100 | 35.875.702 | 100 |
Khối lượng cá (kg) | 367 | 191 | ||
Giá thành (đ/kg) | 97.025 | 187.438 |
Thủy sản Ngọc Thủy với kinh nghiệm ương nuôi chúng tôi xin chia sẻ đến Qúy khách về các lưu ý cần thiết cũng như kỹ thuật nuôi Cá chim vây ngắn đã được thử nghiệm và thành công. Xem chi tiết các bài viết dưới đây:
>> Kỹ thuật nuôi cá chim vây ngắn
III. KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRONG AO
3.1 ƯƠNG CÁ TRONG AO
Điều kiện ao ương và chuẩn bị ao: ao ương thường có hình chữ nhật, diện tích 200 – 500m2. Độ sâu mức nước trong ao 0,8 – 1,0m, độ mặn 25-30ppt. Ao có cống cấp và tiêu nước riêng, có ao chứa lắng xử lý nước trước khi cấp nước vào ao ương. Đáy cát bùn, bùn cát, bờ ao chắc chắn.
Cải tạo, chuẩn bị ao: cải tạo ao tốt, triệt để là khâu quan trọng, nhằm diệt trừ dịch hại, mầm bệnh và các sinh vật cạnh tranh gây nguy hiểm cho cá con. Ao ương phải được tháo cạn nước, vét bùn, rửa sạch đáy ao, dùng dây thuốc cá để diệt tạp. Rải vôi với liều lượng 10 – 15 kg/100 m2 để diệt tạp và cải tạo pH, kết hợp phơi đáy ao 3-5 ngày.
Lắp lưới chắn, lấy nước vào ao, gây nuôi thức ăn sống: bón lót phân hữu cơ (tốt nhất là phân gà đã được ủ hoai) với liều lượng 5 – 10 kg/100 m2 , tạo điều kiện cho sinh vật phù du như tảo, luân trùng, copepods phát triển.
- Chọn giống và thả giống
Cá phải khỏe mạnh, đồng đều, không bị thương tật, màu sắc tự nhiên, cỡ 4 -5cm. Cá sau khi vận chuyển đến ao ương, có thể thả thẳng xuống ao hoặc thả vào giai chăm sóc 5 – 7 ngày sau đó thả ra ao.
Thả giống nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả từ từ để không gây sốc độ mặn và nhiệt độ cho cá.
Mật độ ương: 20-50 con/m2 .
- Quản lý và chăm sóc
Thức ăn và cách cho ăn: ngoài việc nuôi tảo, luân trùng, Copepods trong ao làm thức ăn cho cá, cần cho cá ăn thức ăn tổng hợp, cho ăn với khẩu phần: tuần đầu: 100% khối lượng cơ thể, tuần thứ 2: 80% khối lượng cơ thể, tuần thứ 3 trở đi: 60%, 40% gần thu hoạch cho ăn 20% khối lượng thân.
Cách cho ăn: Thời điểm và vị trí cho ăn trong ao nên cố định. Tập cho cá có thói quen tập trung thành đàn tại một địa điểm nhất định khi cho ăn. Trước khi cho ăn có thể kèm theo tiếng động, tập cho cá phản xạ có điều kiện. Những ngày đầu cho ăn 3 – 4 lần/ngày, sau đó cho ăn 2-3 lần/ngày. Nên cho cá ăn từ từ, cá chim có tập tính bắt mồi ở tầng mặt, ít bắt mồi ở tầng đáy. Khi cá ăn no cá sẽ bơi đi nơi khác, lúc đó ngừng cho ăn.
- Quản lý các yếu tố môi trường
Hàng ngày theo dõi màu nước, duy trì màu nước ổn định, đo pH, nhiệt độ nước, độ mặn, Oxy hòa tan, khí NH3 và H2S, nếu các chỉ số biến động quá ngưỡng cho phép phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Thay nước: những ngày đầu thường không thay nước. Sau đó có thể thay nước khi cần thiết, thay nước 5 – 7 ngày/lần, lượng nước thay 30 – 50%.
Theo dõi tốc độ tăng trưởng: định kỳ 7-10 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá ương, đo chiều dài, cân khối lượng, đây là căn cứ để điều chỉnh thức ăn.
Phòng và trị bệnh: Hệ thống ao ương phải cải tạo kỹ. Giống cá trước khi thả ương cần phải xử lý bệnh, có thể tắm trong nước ngọt vài phút. Thức ăn cho cá nên sử dụng thức ăn tổng hợp còn niên hạn sử dụng, không nên sử dụng các loại thức ăn đã ẩm mốc. Cho cá ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cá.
Một yếu tố quan trọng gây ra tử vong cho qúa trình ương nuôi là bệnh. Triệu chứng thường gặp là: Bỏ ăn, thay đổi màu cơ thể từ trắng sang đen, xuất hiện nhiều đốm trắng trên thân. Phải thay nước mới cho ao nuôi, cá sẽ ăn mồi trở lại và theo dõi màu sắc cá.
- Thu hoạch
Sau thời gian 40 – 50 ngày ương, cá có kích thước 10 – 12cm, (đạt 30 – 40g) tiến hành thu hoạch chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Trước khi thu hoạch cần cho cá nhịn ăn 1 ngày.
Cách thu: Rút bớt nước trong ao ương xuống còn 40 – 50cm, sau đó dùng lưới kéo kích thước mắt lưới 1 – 2cm kéo gom cá về một góc ao, dùng vợt lưới mềm thu cá cho vào giai hoặc bể chứa có sục khí, phân cỡ, chọn lọc, đếm số lượng. Cá được vận chuyển hở có sục khí đến ao nuôi, nhiệt độ khi vận chuyển duy trì khoảng 26 – 27oC.
3.2 NUÔI THƯƠNG PHẨM TRONG AO
Ao được xây dựng ở nơi có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, xa nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định. Gần đường giao thông, gần nguồn cá giống, gần nguồn điện.
Thường chọn vị trí trung triều, biên độ triều 2 – 3m để tiện cho việc cải tạo ao, tháo và lấy nước trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường phải đảm bảo trong khoảng thích hợp (bảng 3.1)
TT | Các yếu tố môi trường | Khoảng thích hợp |
1 | Độ mặn (‰) | 20 – 30 |
2 | Nhiệt độ nước (oC) | 26 – 32 |
3 | Hàm lượng Oxy (mg/l) | 4 – 9 |
4 | pH | 7,5 – 8,5 |
5 | NH3 (mg/l) | < 0,1 |
6 | H2S (mg/l) | < 0,03 |
7 | Chất đáy ao: cát bùn, bùn cát, cát. |
- Điều kiện ao và chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi hình vuông hay hình chữ nhật, có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2. Độ sâu mực nước từ 1,5 – 2,0m, ao có cống cấp và thoát nước riêng, đáy cát hơi dốc về phía cống thoát.
Các biện pháp cải tạo ao, chuẩn bị ao nuôi tiến hành như ao ương giống. Nếu ao có pH thấp, nhiều phèn phải tăng liều lượng bón vôi cho ao khoảng 30 – 50 kg/100m2.
-
Chọn giống và thả giống
Thả cá giống: Chọn giống phải khỏe mạnh, đồng đều, cá không bị bệnh tật, không bị xây xát, bơi lội hoạt bát, có màu sắc tự nhiên, cỡ 10 – 15cm (30 – 50g).
Mật độ nuôi: 1 – 2 con/m2.
Cách thả: Sau khi cải tạo, lấy nước vào ao, có thể thả cá giống nuôi ngay, nên thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả từ từ tránh cá bị sốc.
-
Quản lý và chăm sóc
Thức ăn: thức ăn dùng để nuôi cá chim là thức ăn công nghiệp dạng viên chìm do công ty UP sản xuất dùng để nuôi cá ở lồng biển hoặc dạng nổi (thức ăn cá chẽm) để nuôi cá trong ao.
Khẩu phần cho ăn: Theo hướng dẫn của Nhà sản xuất thức ăn cá (xem bảng 2).
Cách cho ăn: Khi cho ăn rải thức ăn từ từ ở một điểm cố định trong ao, và trước khi cho ăn tạo tiếng động để tập trung đàn cá vào điểm cho ăn.
-
Quản lý các yếu tố môi trường
Hàng ngày theo dõi màu nước, duy trì màu nước ổn định, đo pH, nhiệt độ nước, độ mặn, Oxy hòa tan, khí NH3 và H2S, nếu các chỉ số biến động quá ngưỡng cho phép phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Thay nước: định kỳ thay nước theo kỳ con nước triều cường 10 – 15 ngày/lần, lượng nước thay 30 – 50%.
Theo dõi tốc độ tăng trưởng: định kỳ 30 – 60 ngày, kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá, đo chiều dài, cân khối lượng, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn.
-
Phòng và trị bệnh
Hệ thống ao nuôi phải được cải tạo kỹ. Giống cá trước khi thả cần phải xử lý bệnh, có thể tắm trong nước ngọt vài phút. Thức ăn cho cá nên sử dụng thức ăn tổng hợp còn niên hạn sử dụng, không nên sử dụng các loại thức ăn đã ẩm mốc. Cho cá ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cá.
Một dấu hiệu bệnh cá là: Bỏ ăn, thay đổi màu cơ thể từ trắng sang đen, xuất hiện nhiều đốm trắng trên thân. Phải thay nước mới cho ao nuôi, cá sẽ ăn mồi trở lại.
-
Thu hoạch
Sau thời gian 8 – 10 tháng, cá có thể đạt 600 – 1.000g, tiến hành thu hoạch cá thương phẩm. Trước khi thu hoạch cần cho cá nhịn ăn 1 ngày.
Cách thu: Rút bớt nước trong ao ương xuống còn 40 – 50cm, sau đó dùng lưới kéo kích thước mắt lưới 5 – 10cm kéo gom cá về một góc ao, dùng vợt lưới mềm thu cá cho vào giai hoặc bể chứa có sục khí để bán cá sống hoặc đưa vào thùng ướp đá để đưa đến nơi tiêu thụ.
MUA CÁ CHIM VÂY NGẮN GIỐNG CHẤT LƯỢNG Ở ĐÂU
Thủy sản Ngọc Thủy chuyên cung cấp cá chim giống với chi phí cực kỳ ưu đãi cho quý khách hàng!
ĐẶC DIỂM DINH DƯỠNG VÀ SINH SẢN CÁ CHIM TRẮNG
MỌI CHI TIẾT VUI LÒNG XIN LIÊN HỆ:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI NGỌC THUỶ
Trụ sở: 07 Phúc Sơn, Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa
Cơ sở SX: Hệ thống 7 cơ sở sản xuất tại Khánh Hòa
Tel: 02583838379 – Hotline: 0972 857 957
Email: ngocthuynhatrang@gmail.com
Website: thuysanngocthuy.com
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.