Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đang tìm cách giải cứu cá tầm đang gặp khó
Theo thống kê từ Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, đến cuối năm 2020, có khoảng 300 tấn cá tầm không xuất bán được do sự cạnh tranh giá từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ.
Nguy cơ lỗ nặng
Lâm Đồng là thủ phủ nuôi cá tầm thương phẩm chiếm hơn 70% sản lượng của cả 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến cuối năm 2020, diện tích nuôi cá tầm trên toàn tỉnh khoảng hơn 50 ha. Trong đó, diện tích ao, bể thực tế nuôi cá khoảng 95.000 m2, sản lượng ước đạt 1.200 – 1.400 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và tại thị trường TP HCM. Do không thể cạnh tranh với giá cá giống lẫn cá thương phẩm từ Trung Quốc nên khoảng 50 doanh nghiệp (DN), hộ gia đình nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh đang gặp khó.
Ông Hoàng Văn Huy (45 tuổi, ngụ xã Lát, huyện Lạc Dương) cho biết gia đình ông nuôi khoảng 10 tấn cá tầm/năm. Cá tầm Trung Quốc nhập vào tỉnh với số lượng lớn đã kéo cá tầm trong tỉnh rớt giá mạnh, các đầu mối tiêu thụ giảm thu mua. “Cá tầm Trung Quốc bán ra khoảng hơn 100.000 đồng/kg trong khi cá tầm của Lâm Đồng nhiều năm nay rẻ nhất là 200.000 đồng/kg, có thời điểm 250.000 đồng/kg bởi chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng hơn. Nếu hạ giá bán, người nuôi sẽ lỗ nặng nhưng tiếp tục nuôi sẽ vừa tốn thêm chi phí vừa không có vốn để xoay vòng cho lứa nuôi mới…” – ông Huy nói.
Điều đáng lo ngại là do chất lượng cá tầm Trung Quốc không bằng cá nuôi tại Lâm Đồng nên một số thương lái trộn cá tầm nhập lậu và cá địa phương để lừa người mua. Theo ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, phần lớn cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch bởi muốn nhập khẩu chính ngạch phải có giấy phép của Tổng cục Thủy sản trong khi cơ quan này chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. “Không riêng Lâm Đồng, nhiều hiệp hội nuôi cá nước lạnh các tỉnh, thành trong cả nước đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại địa phương” – ông An cho hay.
Điều tra, xử lý DN nhập khẩu cá tầm vi phạm
Vừa qua, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành về việc thực hiện thủ tục nhập khẩu cá tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan. Qua theo dõi tình hình, phối hợp lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy cá tầm nhập khẩu không đúng với giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với tờ khai hải quan. Đáng chú ý, một số DN dù đang trong thời gian chờ kết quả giám định để thông quan đã tự ý mang hàng hóa đi tiêu thụ. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xử lý nghiêm hành vi này.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các DN nhập khẩu cá tầm vi phạm.
Theo báo Người lao động