fbpx

Việt Nam đang là thị trường mới nổi cho các mặt hàng hải sản cao cấp từ Mỹ, Canada, châu Âu, đặc biệt sức mua được dự báo tăng mạnh trong dịp Tết.

Trong một sự kiện quảng bá hải sản Alaska gần đây tại TP HCM, ông Robert Greenan, Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho biết năm 2020, xuất khẩu hải sản Alaska sang Việt Nam đạt 19 triệu USD, tăng 125% so với năm 2019, bất chấp những thách thức từ dịch Covid-19.

Tăng đột biến

Theo ông Robert Greenan, năm 2020, Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ 6 của Mỹ với giá trị đạt 4 tỷ USD từ mức khiêm tốn chỉ 24 triệu USD của năm 1995. Hiện nay, Mỹ đang tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Mỹ đến Việt Nam.

Lý giải về nguyên nhân nhập khẩu hải sản Alaska tăng đột biến, bà Đặng Thị Phương Thảo, đại diện Hiệp hội Tiếp thị hải sản Alaska (Mỹ) tại Việt Nam, cho biết do nhu cầu trong nước tăng cao cũng như một số nhà máy chế biến từ Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam do ảnh hưởng các chính sách thuế xuất nhập khẩu.

“Điểm nổi bật của hải sản Alaska là khai thác tự nhiên bền vững để bảo vệ nguồn lợi hải sản thiên nhiên có chất lượng cao nên chủ yếu được tiêu thụ tại Việt Nam ở hệ thống các nhà hàng, khách sạn và một số nhà máy chế biến thực phẩm. Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng phân phối hải sản Alaska sang kênh bán lẻ để người tiêu dùng Việt Nam mua chế biến tại nhà. Là nguồn hàng khai thác tự nhiên theo mùa nhưng chúng tôi có hệ thống cấp đông và dự trữ để cung cấp hải sản ra thị trường quanh năm” – bà Thảo nói.

Theo đại diện Công ty The Alaska Guys Vietnam, những mặt hàng hải sản Alaska tiêu thụ chính tại Việt Nam là cua hoàng đế Alaska, cá tuyết than, cá tuyết, cá minh thái và mới đây nhất là cá hồi.

“Trong dịp Tết, cua hoàng đế Alaska là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất do phù hợp sử dụng cho những dịp đặc biệt cũng như khá dễ chế biến. Khách nước ngoài tại Việt Nam thường chọn cua nguyên con (kích cỡ 2,5-4 kg/con) có giá từ 1,84 – 1,9 triệu đồng/kg trong khi khách Việt Nam thường mua phần chân và càng cua với giá 2,05 – 2,15 triệu đồng/kg vì phần thịt cua chủ yếu tập trung ở đây.

Ngoài ra, cá tuyết phi-lê cũng được bán rất chạy vì thịt thơm, không xương có thể nấu cháo để bồi bổ sức khỏe cho người già, trẻ em. Gần đây, với xu hướng thích thực phẩm thiên nhiên, cá hồi đỏ Sockeye Alaska cũng được người tiêu dùng tìm mua vì là dòng sản phẩm khai thác tự nhiên, chất lượng hàng đầu” – đại diện Công ty The Alaska Guys Vietnam cho biết.

Nhu cầu gấp 3 bình thường

Hiện nay, thị trường Việt Nam đang chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt dòng hải sản cao cấp nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ có sản phẩm đông lạnh, nhiều nhà nhập khẩu còn đưa tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư, ốc vòi voi… còn sống về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu vì giá mỗi ký đều từ tiền triệu trở lên.

Canada là một trong những nguồn cung hải sản cao cấp cho Việt Nam gần đây khi thuế nhập khẩu còn 0% theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đại diện các nhà xuất khẩu hải sản Canada cho biết năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 100 triệu đôla Canada, tăng hơn 10% so với năm 2019. Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Canada là tôm hùm, hàu, cá hồi, cá bơn, tu hài…

Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, một trong những lý do khiến hải sản ngoại đổ bộ là nhờ giá các mặt hàng này đã rẻ hơn do thuế nhập khẩu giảm theo các hiệp định thương mại tự do. Giá giảm, sức mua tốt, nhờ đó mà trong năm 2020, doanh nghiệp (DN) này đã mở 8 cửa hàng bán lẻ chỉ trong 7 tháng.

“Thường vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ hải sản sẽ gấp 3 lần ngày thường nên công ty đang tăng cường nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi vừa nhập khẩu sản phẩm mới là cua Tasmania (cua khổng lồ Nam Úc), mỗi con có trọng lượng 5-6 kg, giá bán khoảng 3,6 triệu đồng/kg, tính ra giá trị một con cua tương đương một con bò. Lô đầu tiên chúng tôi nhập vài chục con và đã bán gần hết” – ông Trường tiết lộ. Theo kế hoạch, chuỗi hải sản này sẽ hoạt động xuyên Tết để người dân ăn Tết.

Trong một buổi chia sẻ về thương mại điện tử trong lĩnh vực hàng thực phẩm tươi sống, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), đã dẫn trường hợp “Đảo hải sản” là một điển hình trong việc bùng nổ doanh số hải sản trong mùa Covid-19 với tốc độ tăng trưởng đơn hàng 20%/tháng. Sản phẩm chính của đơn vị này là các loại hải sản cao cấp (đa số là hàng nhập khẩu) như tôm hùm, bào ngư, cá hồi… cho thấy nhu cầu thị trường của mặt hàng này rất lớn.

Hải sản Việt Nam học được gì?

Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL cho hay nhiều đối tác nhập khẩu hàng của DN đang chào bán nhiều loại hải sản trong bối cảnh Việt Nam giảm thuế theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do. “Nguồn lợi hải sản của Việt Nam đang cạn kiệt, nhiều loài trước đây rất nhiều, nay không còn hoặc chỉ còn cỡ nhỏ. Trong khi đó, các nước phát triển như Mỹ, Canada, các nước châu Âu đã thực hiện khai thác bền vững từ lâu giúp cho nguồn cung ổn định. Ngoài ra, nhiều loại hải sản xứ lạnh Việt Nam không có với giá rẻ được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu thưởng thức sản phẩm mới lạ” – giám đốc DN này cho hay.