Thực tế, sức hút của thị trường 10 tỷ USD từng nhận được quan tâm của nhiều ông lớn trong nước. Tuy nhiên, dường như các ông lớn trong nước vẫn chưa đủ mặn mà, hoặc chưa chú trọng đầu tư đúng mực, hoặc vẫn xem đây chỉ là nghề “tay trái”.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỉ lệ 32%) và 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%).
Tuy vậy, có đến 60% thị phần sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, 40% còn lại được chia cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Cán cân chênh lệch trên thị trường tỷ đô
Đáng lo ngại hơn, thị phần của các doanh nghiệp nội địa đang có nguy cơ ngày một tụt giảm (ước tính giảm 2-3%/năm) trước sự mở rộng về cả qui mô, sản lượng cũng như số lượng doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang loay hoay thoát khỏi khủng hoảng nguyên liệu thì một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng.
“Ngoài các tập đoàn lớn từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… đã đầu tư vào Việt Nam từ trước thì gần đây một số tập đoàn từ Singapore, Hà Lan, Đức cũng có mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, cạnh tranh để giành thị phần TACN sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều”, GS.TS Nguyễn Duy Hoan chia sẻ với Tạp chí chăn nuôi Việt Nam.
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, đứng thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Cùng với cầu tiêu thụ ở mức cao, sự phát triển của ngành chăn nuôi heo thịt là một trong những động lực chính của ngành sản xuất TACN trong nước.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nuôi tôm, cá tra, cá basa xuất khẩu ở Việt Nam cũng tác động mạnh mẽ đến cầu tiêu thụ TACN nội địa, bồi đắp mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp sản xuất TACN trong và ngoài nước đều thèm muốn.
DOANH NGHIỆP THÁI, MỸ, HÀ LAN TRANH NHAU HỐT BẠC TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Một trong những gã khổng lồ ngoại đầu tiên dòm ngó đến thị trường TACN ở Việt Nam là tập đoàn C.P đến từ Thái Lan.
Khi mới bước vào thị trường Việt Nam, C.P chỉ tập trung vào sản xuất TACN, sau đó, công ty này phát triển thêm mảng gà đẻ trứng, cung cấp heo, gà thịt, xúc xích, heo giống, xuất khẩu tôm và cá tra. Đây cũng chính là doanh nghiệp tiên phong trong mô hình “3F”, từ thức ăn chăn nuôi (Feed) đến trang trại (Farm) và thực phẩm (Food).
Xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1993, đến nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc. Năm 2019, công ty đạt doanh thu 64.673 tỷ đồng, 6.333 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nối gót C.P là tập đoàn Cargill, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 155.000 nhân viên làm việc trên 70 quốc gia khắp thế giới. Chính thức xâm nhập vào Việt Nam từ năm 1995, đến nay Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã có 11 nhà máy sản xuất TACN trên cả nước.
Trong 4 năm từ 2016-2019, dù kết quả kinh doanh cả Cargill Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, nhưng với 12.397 tỷ đồng doanh thu và 643 tỷ đồng lợi nhuận mà công ty thu về năm 2019, đây vẫn là một trong nhưng ông lớn đầu ngành sản xuất TACN tại Việt Nam.
Trực thuộc tập đoàn hàng trăm năm tuổi của Hà Lan, Công ty TNHH De Heus Việt Nam cũng là kiếm bội tiền từ thị trường TACN tại Việt Nam. Trong 4 năm từ 2016 – 2019, doanh thu công ty tăng trưởng 34%, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 715 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác đến từ Indonesia cũng đầu tư lớn vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là Tập đoàn Japfa. Trong năm 2019, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đạt doanh thu 10.363 tỷ đồng, 583 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
DOANH NGHIỆP NỘI ĐUỐI SỨC
Nắm trong tay số thị phần chỉ nhỉnh hơn 1/2 so với các doanh nghiệp sản xuất TACN ngoại là Dabaco, Công ty CP Greenfeed Việt Nam, Công ty CP Mavin Austfeed, Proconco và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.
Mặc dù sở hữu số lượng nhà máy sản xuất áp đảo, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp nội sản xuất TACN hàng đầu Việt Nam như Dabaco, Proconco, Greanfeed, Mavin, Việt Thắng chỉ khoảng 2.200 tỷ đồng, nhỉnh hơn 1/3 so với lợi nhuận của C.P Việt Nam.
Một trong những doanh nghiệp nội sản xuất TACN có kết quả kinh doanh khả quan nhất là công ty sở hữu thương hiệu Cám con cò “huyền thoại”, công ty CP Việt Pháp sản xuất TACN Proconco.
Tuy nhiên, trong 4 năm từ 2016 đến 2019, kết quả kinh doanh của Proconco không ngừng trượt dốc, từ con số 7.665 tỷ đồng doanh thu năm 2016, đến 2019 doanh thu công ty giảm 60%, xuống còn 3.015 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp, thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng giảm 65% trong vòng 4 năm, còn 315 tỷ đồng 2019, dù vậy, công ty vẫn ghi nhận lãi sau thuế đạt 965 tỷ đồng chủ yếu do lãi chuyển nhượng vốn.
Nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang giậm chân tại chỗ, hoặc phải giải quyết vấn đề của riêng mình. Trong đó, Công ty CP Mavin Austfeed và Công ty TNHH MTV Thức ăn thuỷ sản Mekong đang xoay xở để giữ lợi nhuận không tuột dốc, Công ty Cổ phần TACN Việt Thắng thì đang dồn lực phục hồi sau giai đoạn đánh mất mình dưới thời Thuỷ sản Hùng Vương, Công ty CP dinh dưỡng Hồng Hà cố gắng duy trì kết quả kinh doanh không lỗ, còn Công ty Nông nghiệp Quốc Tế (Anco) đang dần đuối sức với lợi nhuận liên tục giảm trong 4 năm nay.
DOANH NGHIỆP NGOẠI BÀNH TRƯỚNG
Dù đã giành ưu thế trên cuộc chiến giành thị phần, những gã khổng lồ đến từ nước ngoài liên tục tăng đầu tư, xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Tiêu biểu như tập đoàn thức ăn chăn nuôi Cargill, ngày 9/12/2020 đã thông báo về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy mới trị giá 28 triệu USD nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước, Tập đoàn chăn nuôi Japfa Comfeed Việt Nam đã kí kết biên bản thỏa thuận đầu tư dự án chăn nuôi trị giá 230 triệu USD tại tỉnh này. Thời gian thực hiện dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021-2023, giai đoạn 2 từ năm 2023-2025.
Trước đó, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 6 với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng và công suất thiết kế là 180.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định vào tháng 11 nhằm khai thác thị trường tiềm năng khu vực Miền Trung.
Thực tế, thị trường thức ăn chăn nuôi từng thu hút sự quan tâm của rất nhiều ông lớn trong nước. Tuy nhiên, hầu hết vẫn chưa có sự đầu tư đúng mực vào thị trường này hoặc vẫn xem đây chỉ là nghề “tay trái”.
Đơn cử như “vua thép” Hòa Phát, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020, mảng nông nghiệp bao gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thức ăn chăn nuôi của Hoà Phát ước đạt đến trên 10.000 tỷ doanh thu và 1.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù vậy, mảng thức ăn chăn nuôi vẫn chủ yếu phục vụ cho nhu cầu khép kín chuỗi giá trị chăn nuôi của Hoà Phát thay vì định hướng cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Một trường hợp khác là Vingroup. Năm 2018, Vingroup bất ngờ công bố mua lại 40% cổ phần của Việt Thắng và dự kiến tiếp tục nâng sở hữu lên 60% thông qua công ty con là Vineco.
Những tưởng, sự tham gia của Vingroup sẽ khiến thị trường thêm sôi động. Tuy nhiên, năm 2019, Vingroup bất ngờ thông báo chuyển nhượng cho Tập đoàn Masan qua đó rút hoàn toàn khỏi mảng nông nghiệp.
Trong số các tập đoàn lớn trong nước, Tập đoàn Masan (Mã: MSN) có lẽ là doanh nghiệp vẫn có sự chú trọng nhất vào mảng kinh doanh này.
Năm 2015, chính thức gia nhập thị trường thông qua thâu tóm Proconco và Anco. Sau khi đầu tư vào cả hai mảng thịt heo và thịt gà, Masan trong năm 2020 đã rót thêm 500 tỉ đồng vào Anco nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.
CHỈ SẢN XUẤT SẼ GẶP RẤT NHIỀU KHÓ KHĂN
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền cục trưởng cục chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nội và ngoại, thị trường đã có một lượng lớn nhà máy sản xuất TACN được các doanh nghiệp này đầu tư và mở rộng.
Có gì ở thị trường thức ăn chăn nuôi, nơi mà cả Masan, Hoà Phát, Vingroup… đều quyết đấu nước ngoài? – Ảnh 3.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Ảnh: Bộ NN&PTNT)
Hiện tại, tổng công suất các nhà máy trong nước đã đạt gần 40 triệu tấn/năm, xấp xỉ với nhu cầu tiêu thụ. Do đó, thị trường sản xuất TACN đã gần ở mức bão hoà, đòi hỏi các doanh nghiệp muốn đầu tư vào thị trường này ngoài tiềm lực tài chính đủ mạnh, còn phải xây dựng cho mình được một hệ thống chăn nuôi khép kín với mô hình 3F (Feed – Farm – Food). Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp lớn nước ngoài đã sớm thực hiện và đẩy mạnh.
“Trước kia chỉ cần sản xuất cám thì anh vẫn sống được, nhưng giờ nếu vẫn chỉ sản xuất và bán cám trôi nổi trên thị trường thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thời kì chỉ sản xuất TACN rồi chờ nông dân đến mua đã xa rồi” ông Dương cho hay.
Trước sự gia nhập của các đại gia đầu ngành như Masan, Hoà Phát… , ông Dương coi đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành sản xuất TACN trong nước, và hi vọng sự nhập cuộc này sẽ thay đổi cán cân thị phần nội – ngoại lên tỉ trọng 50:50 thay vì 40:60 như hiện nay.
Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh và giành lại thị phần với các doanh nghiệp ngoại, các tâp đoàn lớn này cần xây dưng hoặc liên kết với nhau tạo để tạo thành hệ thống chăn nuôi khép kín, còn nếu chỉ đầu tư vào nhà máy, tăng công suất thì sẽ không đủ.
Theo ông Dương, trong năm 2021, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, chúng ta vẫn có quyền hi vọng về cơ hội mới cho ngành sản xuất TACN Việt Nam, nhưng nếu các doanh nghiệp không chú trọng về đầu ra sản phẩm hay cân bằng cung cầu, bức tranh thị trường vẫn khó có thể thay đổi.