Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi biển nói riêng mới chỉ xuất hiện vài thập niên gần đây nhưng đã nhanh chóng phát triển, mang lại thu nhập cao, lợi nhuận lớn và dần trở thành sinh kế chính của cộng đồng dân cư ven biển.
Hình 1. Cá Hồng Mỹ
Cá hồng Mỹ là đối tượng có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, có thể nuôi với quy mô thâm canh, ít bệnh và sử dụng tốt thức ăn công nghiệp. Đến nay, đối tượng này đã được nuôi thành công tại nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… Công ty chúng tôi xin giới thiệu với bà con: “Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ (Sciaenops ocellatus, Linnaeus, 1766)’’ với mục đích bổ sung thêm tài liệu tham khảo phục vụ cho người nuôi.
1. Nuôi lồng – bè
1.1. Chọn địa điểm thả lồng bè
– Kín gió để tránh bão, sóng, gió to, có độ sâu tối thiểu 5-6m.
– Biên độ dao động của thủy triều không lớn, dòng chảy của thủy triều thấp, độ mặn từ 5-35‰
– Nguồn nước không bị ô nhiễm do nước thải, giao thông đi lại thuận tiện dễ dàng
1.2. Cấu trúc lồng bè
Có hai loại lồng bè thông dụng hiện nay là lồng bè bằng gỗ và lồng HDPE.
– Thiết kế bè nổi:
+ Vật liệu làm khung lồng bè làm bằng những vật liệu chịu được độ mặn cao, chống hàu đục phá như tre, gỗ, xi măng, ống nhựa PVC.
+ Phao nổi được gắn chặt vào khung lồng để giữ cho lồng nổi. Các phao lồng thường được làm từ các loại thùng phuy nhựa, thùng xốp hoặc can nhựa.
+ Dùng dây neo giữ lồng ở một vị trí nhất định, thông thường phải neo cả 4 mặt của bè.
+ Lưới có các mắt lưới tùy thuộc vào kích cỡ cá. Nên sử dụng loại lưới Polyethylen có ưu điểm bền chắc, đàn hồi và chống được các loài sinh vật bám lưới.
+ Có thể thiết kế dàn lồng có kích cỡ 8m x 8m x 3m hoặc 6m x 6m x 3m được thiết kế thành các lồng riêng biệt. Mỗi dàn lồng thiết kế khoảng 4 lồng nuôi kích cỡ 4m x 4m x 3m hoặc 3m x 3m x 3m. Người ta thường ghép 4, 8,16 hoặc 32 khung lồng với nhau thành một bè nuôi cá Hồng Mỹ.
+ Trên khung bè dựng một nhà nhỏ diện tích 10-12m2 dùng làm nơi ăn nghỉ cho công nhân.
– Lồng nhựa HDPE:
+ Quá trình nuôi thương phẩm chủ yếu trên hệ thống bè gỗ có độ bền và tính chịu lực kém tập trung tại các đầm, vịnh gần bờ. Vì vậy, ứng dụng công nghệ tiên tiến nuôi thương phẩm cá biển theo hướng ưu tiên sử dụng thức ăn công nghiệp, trên hệ thống lồng nhựa HDPE, có khả năng chịu được sóng gió, nuôi với mật độ cao ở quy mô công nghiệp nhằm hạn chế lượng chất thải, từng bước chuyển dịch vùng nuôi ra xa bờ.
+ Thiết kế lồng có thể hình tròn hoặc hình chữ nhật, tùy thuộc khu vực nuôi.
1.2. Nuôi trong ao
– Trong ao đầm có thể nuôi đơn cá Hồng Mỹ hoặc nuôi ghép với cá rô phi hoặc rong câu
– Nguồn nước có thể cung cấp quang năm với các yêu cầu về thủy lý, thủy hóa như: pH 7,5-8,5; DO ≥ 4 mg/L; độ mặn 5-35‰; nhiệt độ từ 26-320C, NH3 < 1mg/L, H2S < 0,3 mg/L, độ trong 25-35cm.
– Chất đất: cát, bùn pha cát, cát sỏi.
– Địa hình và giao thông: Giao thông thuận lợi, gần nơi có thể cung cấp thức ăn, lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
– Hình dạng ao nuôi có thể hình chữ nhật để thuận tiện cho tạo dòng chảy. Có thể tận dụng các ao nuôi tôm.
– Diện tích 1.500 – 5.000m2 để dễ quản lý, độ sâu từ 1,5-1,8m.
– Cải tạo đáy ao: tháo cạn, dọn tạp, tu sửa bờ và đáy ao. Diệt tạp bằng Saponin (15g/m3).
2. Chọn giống và thả giống
– Chọn mua tại những cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng
– Kích cỡ giống thả từ 10-12 cm, khỏe mạnh không bị dị tật, không xây xát.
– Mật độ thả giống: trong ao từ 1-2 con/m2; trong lồng từ 20-30 con/m3.
– Thả giống vào sáng sớm (từ 6-7h) hoặc chiều mát (18-20 giờ).
>> Chọn mua con giống cá hồng mỹ tại đây <<
3. Thức ăn và cho ăn
– Giai đoạn 6 tháng đầu: thức ăn là thịt cá, nhuyễn thể băm nhỏ, khẩu phần ăn hàng ngày khoảng 10% trọng lượng thân, ngày cho ăn 3 lần, sau đó giảm khẩu phẩn ăn xuống 5%.
– Giai đoạn 6 tháng trở lên: thức ăn là cá tạp băm nhỏ, khẩu phần ăn 5% khối lượng thân, cho ăn ngày 2 lần.
– Hiện nay, người nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp được cung cấp trên thị trường, kích cỡ và tỷ lệ cho ăn theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất.
4. Quản lý chăm sóc
– Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
– Đối với hình thức nuôi lồng cần thường xuyên vệ sinh để tránh ô nhiễm, địch hại phá lưới lồng. Thường xuyên kiểm tra phao và dây treo, nếu có vẫn đề cần phải sữa chữa khắc phục ngay. Sau khoảng 2 tháng nuôi tiến hành san lồng để giảm mật độ nuôi giúp cá sinh trưởng tốt hơn.
– Đối với nuôi trong ao: Duy trì nước trong ao thường xuyên từ 1,5m, thay nước định kỳ 1 tháng/ 1 lần, mỗi lần không quá 30%, quan sát đo kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa thường xuyên.
– Kiểm tra dịch bệnh và tình trạng sức khỏe của cá định kỳ.
– Bổ sung chế phẩm sinh học định kỳ.
>> Xem thêm bài viết đặc điểm dinh dưỡng của loại cá hồng mỹ <<
5. Thu hoạch
– Sau 12 tháng nuôi cá đạt kích cỡ từ 1,2-1,5kg/con tiến hành thu hoạch.
– Có thể thu tỉa hoặc toàn bộ tùy theo khả năng tiêu thụ và yêu cầu của người tiêu dùng.