fbpx

Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá mú Trân Châu trong ao và trong lồng

Cá mú lai (hay còn gọi là cá mú Trân Châu) là con lai giữa cá mú cọp cái và cá mú nghệ đực (♀ E. fuscoguttatus x ♂ E. lanceolatus). Đây loài cá có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, là đối tượng tiềm năng đang phát triển nuôi ở Việt Nam.

Cá mú Trân Châu giai đoạn giống
Cá mú Trân Châu giai đoạn giống

Một số ưu điểm khi nuôi cá mú Trân Châu như: khả năng sống rộng muối, phổ thức ăn rộng, cá mú Trân Châu còn có những đặc tính nổi trội hơn so với một số loài cá mú khác do được thừa hưởng từ bố mẹ như: tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt được nâng cao so với cá bố mẹ, tăng khả năng kháng bệnh, tăng khả năng chống chịu với sự thay đổi của điều kiện môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới cá mú Trân Châu được đánh giá có khả năng trở thành đối tượng nuôi quan trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Hiện có 2 hình thức nuôi chính đối với cá mú, đó là nuôi trong ao và nuôi lồng trên biển. Mỗi hình thức nuôi đều có những điểm ưu/ nhược riêng: Hình thức nuôi trong ao ít rủi ro hơn do thiên tai, bão gió gây ra, chi phí lao động, nhân công thấp hơn, Trong khi đó, nuôi cá lồng lại cho sản lượng cá nuôi lớn hơn, chi phí để xử lý môi trường vùng nuôi Ít hơn.

1. Nuôi cá mú trong ao

1.1. Xây dựng ao nuôi

– Nằm trong vùng quy hoạch cho phát triển nuôi trồng thủy sản

– Ao nuôi có ống cấp thoát nước riêng biệt, giao thông thuận tiện, đảm bảo an ninh.

– Nên chọn những nơi có địa hình thuận lợi, chất đất thịt, ít phèn; diện tích 1.500 – 5000 m2, độ sâu: 1,5 – 1,7 m.

– Có nguồn nước tốt (độ mặn 10 – 33‰, nhiệt độ 27 – 32oC, hàm lượng oxy hoà tan ≥ 5mg/L, NH4 <0,01 mg/L, NO2 < 0,2 mg/l, pH 7,5 – 8,5) và ổn định

1.2. Cải tạo ao nuôi

– Tháo cạn nước, vét bùn đáy, bón vôi CaCO3 với lượng 1.000 – 3.000 kg/ha hoặc 1000 – 1.500 kg CaO/ha, phơi ao trong thời gian 5-10 ngày; tu sửa bờ bao, cống

– Sau đó lấy nước vào ao qua túi lọc, diệt cá dữ bẵng các loại thuốc diệt cá.

2. Nuôi cá mú trong lồng

2.1. Yêu cầu chọn vị trí đặt lồng bè

– Nguồn nước không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, sinh hoạt cũng như vùng có nhiều tàu thuyền qua lại.

– Vùng đáy nơi đặt lồng là đất cát sỏi hoặc đất cát, cát bùn. Vị trí cần tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.

– Vị trí đặt lồng cần tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu.

2.2. Thiết kế và xây dựng lồng nuôi cá mú

– Thiết kế bè nổi: Khung lồng bè làm bằng những vật liệu chịu được độ mặn cao, chống hàu đục phá như tre, gỗ, xi măng, ống nhựa PVC. Phao nổi được gắn chặt vào khung lồng để giữ cho lồng nổi. Các phao lồng thường được làm từ các loại thùng phuy nhựa, thùng xốp hoặc can nhựa để nâng lồng. Dùng dây neo giữ lồng ở một vị trí nhất định. Lưới có các mắt lưới tùy thuộc vào kích cỡ cá. Nên sử dụng loại lưới Polyethylen có ưu điểm bền chắc, đàn hồi và chống được các loài sinh vật bám lưới. Có thể thiết kế dàn lồng có kích cỡ 8m x 8m x 3m hoặc 6m x 6m x 3m được thiết kế thành các lồng riêng biệt. Mỗi dàn lồng thiết kế khoảng 4 lồng nuôi kích cỡ 4m x 4m x 3m hoặc 3m x 3m x 3m. Có thể dành một lồng trống để xử lý cá bệnh hay chuyển cá để diệt rong tảo bám trên lồng.

Hệ thống lồng nhựa HDPE
Hệ thống lồng nhựa HDPE

– Lồng nhựa HDPE: Trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, quá trình nuôi thương phẩm chủ yếu trên hệ thống bè gỗ có độ bền và tính chịu lực kém tập trung tại các đầm, vịnh gần bờ. Vì vậy, ứng dụng công nghệ tiến tiến nuôi thương phẩm cá mú theo hướng ưu tiên sử dụng thức ăn công nghiệp, trên hệ thống lồng nhựa HDPE, có khả năng chịu được sóng gió, nuôi với mật độ cao ở quy mô công nghiệp nhằm hạn chế lượng chất thải, từng bước chuyển dịch vùng nuôi ra xa bờ không chỉ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả nghề nuôi mà còn góp phần phục hồi nguồn lợi, cải tạo cảnh quan vùng biển ven bờ để hỗ trợ phát triển du lịch, tạo tiền đề xây dựng một loại hình du lịch mới – du lịch trải nghiệm làng nghề nuôi trồng thủy sản.

– Lưới lồng nuôi cá tốt nhất là làm bằng sợi PE không gút. Kích thước mắt lưới có thể thay đổi tùy vào kích cỡ cá nuôi dao động từ 1 – 6 cm. Tuỳ thuộc vào kích cỡ cá giống, việc lựa chọn kích cỡ mắt lưới sẽ tạo điều kiện trong việc lưu thông giữa môi trường trong và ngoài lồng nuôi được thuận lợi, vì thế cá sinh trưởng tốt hơn.

2.3. Chọn giống nuôi

– Cá không dị tật, màu sắc tươi sáng, không bị sây sát, lở loét trên thân, bơi nhanh nhẹn

– Nên chọn cá giống có kích cỡ lớn 6-8 cm để thả nuôi sẽ rút ngắn thời gian do bỏ qua giai đoạn thuần dưỡng.

– Mật độ thả nuôi trong ao từ 1-3 con/m2; trong lồng trung bình 25 con/m3.

– Giống được thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả có thể thuần hóa giống khoảng 30 phút.

– Chú ý: trong giai đoạn đầu có thể bố trí ương trong giai (kích cỡ giai 4m x 4m x 1,25m) sau thời gian 15-20 ngày trước khi thả ra ao nuôi.

>> Xem thêm con giống cá mú <<

3. Thức ăn và quản lý thức ăn

– Có thể dùng thức ăn công nghiệp hoặc tươi sống. Kích cỡ thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.

– Khẩu phần cho ăn: 2-10% trọng lượng thân.

– Tháng đầu cho ăn 10% trọng lượng thân, cho ăn 3 lần/ngày. Các tháng tiếp theo cho ăn 2 lần/ngày, khẩu phần ăn cho theo nhu cầu cho ăn nhằm tránh tình trạng thức ăn dư làm ô nhiễm nguồn nước ao.

– Định kỳ 5 ngày trộn vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn cho ăn.

– Định kỳ thu mẫu cá để kiểm tra sức khỏe cũng như tốc độ tăng trưởng của cá.

– Thường xuyên quan sát hoạt động bắt mồi, màu nước để điều chỉnh lượng thức ăn.

>> Xem thêm bài viết kỹ thuật nuôi cá mú <<

4. Quản lý môi trường

Các chỉ tiêu môi trường nước quan trọng cần theo dõi và giữ ở mức ổn định (pH: 7,5 – 8,5; Độ kiềm: 107 – 160 mg/l; NH3 <0,1 mg/l; H2S <0,03 mg/l; DO >4mg/l; Độ mặn: 10 – 33 ‰; Độ trong: 30 cm)

– Luôn đảm bảo chế độ thay nước theo thuỷ triều. Khi thay nước nên kiểm tra độ mặn và không thay nước khi trời mưa to rất dễ làm cá bị bệnh.

– Đối với hình thức nuôi trong lồng: Thường xuyên lặn kiểm tra lưới, dùng bàn chải có cán dài chà rửa và vệ sinh lồng loại bỏ sinh vật bám dày đặc.

5. Quản lý sức khỏe vật nuôi

– Thường xuyên kiểm tra cá nuôi về hoạt động và tính ăn.

–  Không cho cá ăn tất cả các loại thức ăn đã ươn thối, đã lên mốc.

– Vợt vớt cá và các dụng cụ vận chuyển cá phải thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ.

– Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp của các đối tượng thủy sản.

– Quan sát hoạt động bơi và hoạt động bắt mồi của cá hàng ngày. Nếu thấy biểu hiện khác thường như cá ăn kém hoặc bỏ ăn thì tiến hành giảm lượng thức ăn hoặc không cho cá ăn. Sau đó tiến hành kiểm tra bệnh và môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

– Định kỳ kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá về khối lượng và kích thước với tần suất 1 lần/tháng để điều chỉnh chế độ chăm sóc. Đây cũng là cơ sở để tính toán, điều chỉnh lượng thức ăn cho cá phù hợp dựa trên tổng khối lượng đàn cá nuôi.

>> Xem thêm bài viết tư vấn chuyển giao công nghệ công nghệ nuôi cá mú <<

6. Thu hoạch

– Trong quá trình thu hoạch nên có bể giữ cá với hệ thống sục khí mạnh, nhằm giảm tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển.

– Sau 10-12 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ từ 0,9-1,4 kg/con có thể xuất bán, tùy thời điểm giá cả thị trường.

>> Xem thêm bài viết thu hoạch cá mú <<